Dạy Sight Words có đơn giản là cung cấp một danh sách từ vựng để các con học thuộc? Làm thế nào mới có thể hướng dẫn các con học sight words hiệu quả? Các bậc phụ huynh có con nhỏ trong giai đoạn mới học ngoại ngữ thường xuyên đặt ra những thắc mắc này. Cùng ThinkEnglish điểm qua danh sách câu hỏi thường gặp về Sight words để tự tin hơn khi dạy tiếng Anh cho bé.

Nên dạy bao nhiêu từ mỗi ngày?

Đáp án là không có số lượng từ cụ thể cho mọi đối tượng. Thay vào đó, quyết định số lượng từ ra sao phụ thuộc nhiều vào những yếu tố sau đây: độ tuổi khi bắt đầu học sight words, khả năng ghi nhớ, trình độ hiện tại, giáo trình chuẩn trên lớp của trẻ em. Quan trọng hơn, hiệu quả của cả quá trình học phụ thuộc vào mức độ nắm chắc từ vựng.

Cụ thể, tốt nhất nên dạy bé học nằm lòng 50 từ hơn là để bé biết sơ sơ, hời hợt đến 300 từ. Việc chỉ hiểu cho có từ vựng khiến quá trình học chẳng mang lại lợi ích gì cho trẻ nhỏ, nhất là đối với việc học sight words. Các em cần nhận diện từ vựng ngay lập tức, nhớ cách viết một cách chính xác để có thể phát triển kỹ năng đọc một cách toàn diện.

Có nên dạy kết hợp bằng hình ảnh và chữ viết?

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng cách dạy sight words điển hình và khuôn mẫu nhất đó là giảng dạy không thông qua hình ảnh. Tuy nhiên, riêng với những em mắc hội chứng chậm phát triển, chẳng hạn như hội chứng Down thì việc dạy bằng hình ảnh kết hợp chữ viết là phương pháp tốt nhất.

Sight Words (Faqs)

Sửa lỗi cho bé ngay hay đợi đến cuối buổi học?

Nhiều cha mẹ cho rằng các bé sẽ cảm thấy ngượng hoặc không tự tin nếu bị sửa lỗi sai ngay khi gặp vướng mắc. Thế nên phụ huynh thường để các con tiếp tục và đợi đến cuối buổi học mới hướng dẫn lại cho con. Tuy nhiên, phương pháp này thực sự không khoa học.

Tốt hơn hết, bạn hãy giúp bé sửa lỗi sai ngay tại thời điểm đó. Việc sửa lỗi chỉ mất vài giây và sẽ không ảnh hưởng đến tiết tấu buổi học hay quá trình hoạt động vui chơi.

Thế nào là nắm vững 1 sight word

Đầu tiên, hãy tự tạo một “Sight Word mục tiêu” và dạy cho bé trong vài ngày liền. Sau đó kiểm tra lại khả năng ghi nhớ của con. Con cần phải nhận ra từ đó 3 lần liên tiếp trong một ngày và lặp lại trong 3 ngày tiếp theo. Khi đưa từ mục tiêu cho con, các bé cần lập tức đọc được từ đó dựa vào khả năng ghi nhớ, chứ không phải đánh vần từng chữ một.

Có nên khen con nhiều không?

Câu trả lời là có, tuy nhiên lời khen cũng cần đưa ra một cách khoa học. Khi con đọc đúng 1 từ, đừng đưa ra những lời khen quá dài, quá tâng bốc (Ví dụ: You are so smart/ Con thông minh quá, That’s wonderful/Thật tuyệt vời). Lời khen như vậy khiến bé hoàn toàn mất tập trung và thậm chí còn quên luôn từ vừa học. Bởi vậy, hãy khen một cách ngắn gọn và giống nhau cho mỗi câu trả lời đúng (Ví dụ: Correct/Chính xác, That’s right/Đúng rồi).

Chỉ cho con học từ qua trò chơi có được không?

Nhiều phụ huynh có thắc mắc: Con tôi còn nhỏ và các bé thích thú với những trò chơi hơn, vậy tôi có thể chỉ dạy sight words thông qua các trò chơi và hoạt động được không?

Câu trả lời là không thể. Mặc dù các Sight words games thực sự bổ ích và đóng vai trò thúc đẩy các em hứng thú với việc học từ vựng, chúng không thể hoàn toàn thay thế các tiết học chính quy được. Nếu những học sinh nhí tỏ ra chán nản, mất kiên nhẫn khi học, bạn hãy cân nhắc đến việc giảm thời lượng tiết học xuống (trung bình một tiết học sight words chỉ nên kéo dài 20 phút).

Sight Words (Faqs)

Tại sao gọi sight words là “service words” (từ dịch vụ)?

Lý giải cho điều này, thực chất Sigh words đã “phục vụ” người học bằng cách cải thiện khả năng đọc trôi chảy các nội dung văn bản thông qua: cụm từ, từ vựng, câu và đoạn văn.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đọc một cách lưu loát là điều kiện tiên quyết giúp trẻ em sở hữu kỹ năng đọc hiểu tốt. Trong trường hợp quá trình đọc mắc nhiều lỗi, bị ngắc ngứ hoặc tốn quá nhiều công sức để đọc thì khả năng hiểu nội dung sẽ bị cản trở rất nhiều.

Khi nào nên bắt đầu dạy sight words cho trẻ?

Thời điểm nào thích hợp nhất để dạy Sight Words cho trẻ em? Các con sẵn sàng học Sight Words trong độ tuổi nào? Câu trả lời là không có thời điểm cụ thể áp dụng cho mọi đối tượng. Kỹ năng ngôn ngữ của trẻ em phát triển một cách độc lập với tốc độ khác nhau, bởi vậy không thể quy định rõ độ tuổi nào nên bắt đầu học sight words.

Hầu hết các con có thể thông thạo một vài Sight Words ngay khi mới 3 – 4 tuổi. bạn có thể dạy cho con các kiến thức về Sight Words trong độ tuổi này nếu thấy con tiếp thu được. Ngược lại, nếu con không hề hứng thú với những chữ cái hay việc đọc, bạn nên dừng lại và đợi một vài tháng nữa trước khi thử lại. Theo chia sẻ của các chuyên gia giáo dục ngôn ngữ cho trẻ em, mục tiêu cần đạt được đó là các bé thành thạo 20 sight words khi học hết mẫu giáo, 100 sight words khi học hết lớp 1.

Dạy sight words thay thế việc dạy phonics cho trẻ có được không?

Điều này là hoàn toàn không nên. Sight words chỉ là phương pháp dạy bổ sung, củng cố vốn từ cho quá trình học phonics, chứ không thể thay thế hoàn toàn việc dạy phonics cho trẻ được. Phương pháp Phonics dạy con cách đánh vần hầu hết các từ vựng. Trong khi đó, Sight words là công cụ giúp các con tập trung nhiều hơn vào các từ phổ biến, giúp quá trình học nhanh hơn mà không phải mất công đánh vần từng từ.

Đứng trước ngưỡng cửa học ngoại ngữ của con trẻ, nhiều cha mẹ còn cảm thấy bối rối với hàng loạt phương pháp dạy như Sight words. Chỉ cần bỏ thêm chút thời gian tìm hiểu, bạn sẽ nhận ra đây là cách dạy tiếng Anh hiệu quả vô cùng.

Mong rằng nội dung câu hỏi thường gặp về Sight words mà ThinkEnglish chia sẻ đã giúp bạn giải đáp phần nào những thắc mắc xoay quanh công cụ học từ vựng hữu hiệu này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *